top of page

CÁCH CHỌN KHÓA HỌC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN UY TÍN VÀ PHÙ HỢP

Đã cập nhật: 29 thg 11, 2024

"Nếu không học cách quản lý tài chính, thì tiền trong túi mình chẳng qua chỉ là đang giữ hộ cho người khác mà thôi." Câu nói này nghe có vẻ phũ phàng, nhưng nó phản ánh đúng thực tế. Chúng ta có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng nếu không biết cách quản lý, tiền sẽ rời đi nhanh chóng, hoặc tệ hơn, trở thành gánh nặng.

Đó là lý do ngày càng nhiều người tìm đến các khóa học quản lý tài chính cá nhân với hy vọng thay đổi cách họ kiểm soát và sử dụng tiền bạc. Nhưng giữa vô vàn lựa chọn, làm sao để tìm được một khóa học quản lý tài chính cá nhân uy tín, thực sự phù hợp và hữu ích? Hãy cùng tôi đi tìm câu trả lời.


KHÓA HỌC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN UY TÍN
CÁCH CHỌN KHÓA HỌC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN UY TÍN VÀ PHÙ HỢP

CÁCH CHỌN KHÓA HỌC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN UY TÍN VÀ PHÙ HỢP

Có hai điều cần lưu ý khi lựa chọn khóa học quản lý tài chính cá nhân. Thứ nhất là sự uy tín của khóa học, và thứ hai là sự phù hợp của khóa học với bản thân mình.


THẾ NÀO LÀ MỘT KHÓA HỌC UY TÍN?

1. Không lừa gạt, quảng cáo sao thì dạy vậy

Một khóa học uy tín là một khóa học mà những gì quảng cáo sẽ khớp với nội dung giảng dạy. Nếu quảng cáo nói khóa học đạt 7 điểm thì khi học, bạn sẽ cảm nhận được đúng 7 điểm đó. Còn nếu quảng cáo 7 điểm mà dạy chỉ 4 điểm thì đó là kiểu "treo đầu dê bán thịt chó".

Thậm chí, có những khóa học không quảng cáo rầm rộ, chỉ nói mức 6 điểm, nhưng thực tế dạy đến 8-9 điểm. Những khóa học này thường xuất phát từ sự khiêm tốn và tử tế của giảng viên. Họ không chú trọng vào số lượng học viên mà tập trung vào giá trị và lý tưởng mà họ theo đuổi. Họ không đánh đổi hệ giá trị, niềm tin, hay lý tưởng sống để chạy theo tiền bạc hay danh tiếng.


2. Giảng viên thực chiến

Uy tín còn thể hiện qua người giảng viên. Giảng viên thực chiến là người đã, đang áp dụng chính những phương pháp họ dạy vào cuộc sống của mình. Khi bạn đặt câu hỏi thực tế, họ sẵn sàng trả lời, hoặc nếu không đủ thời gian trong lớp, họ sẽ bổ sung sau.

Ngược lại, giảng viên không thực chiến thường sẽ né tránh câu hỏi, trả lời vòng vo vì họ không có kinh nghiệm thực tế.


3. Không dẫn dắt học viên vào "bẫy chuỗi khóa học"

Một dấu hiệu không uy tín là sau khi học xong khóa đầu, bạn mới biết mình phải học thêm khóa thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư... Bạn bị dẫn dắt vào một chuỗi khóa học mà cuối cùng thì "cháy túi". Từ vài triệu ban đầu, bạn có thể mất đến vài chục triệu mà vẫn không giải quyết được vấn đề.

Vì thế, trước khi tham gia, hãy hỏi rõ:

  • Học xong khóa này, liệu có phải học thêm khóa nào nữa không?

  • Chi phí tổng thể là bao nhiêu?

Nếu khóa học uy tín, họ sẽ cung cấp thông tin đầy đủ.


4. Đời tư của giảng viên - yếu tố phản ánh uy tín

Ngoài yếu tố giá trị, uy tín của khóa học cũng là một điều mà các anh chị cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tham gia. Một cách đơn giản để đánh giá uy tín là nhìn vào chính con người của giảng viên – qua cách họ thể hiện bản thân trên các nền tảng cá nhân như Facebook, Zalo, Telegram...


Hãy thử vào những trang cá nhân riêng của họ, không phải trang quảng cáo hay thương mại mà là những nơi họ bộc lộ đời tư. Ở đó, các anh chị có thể phần nào nhìn thấy hệ giá trị mà người giảng viên đang theo đuổi:

  • Họ có chững chạc, nghiêm túc hay không?

  • Họ có hướng đến sự tử tế, chính trực, và những giá trị tốt đẹp không?

  • Hay họ chỉ đăng những hình ảnh ăn chơi, hưởng thụ, khoe khoang hay có phong cách sống thiếu trách nhiệm?


Từ cách họ ăn mặc, sử dụng đồ dùng cá nhân, đến những điều họ trăn trở và chia sẻ, tất cả đều phản ánh rõ con người thực sự của họ. Một giảng viên đang sống tử tế, có tâm huyết, và nghiêm túc với giá trị cuộc sống mới có thể tạo ra được một khóa học uy tín, tốt đẹp và thực sự mang lại giá trị cho học viên.


Ngược lại, nếu đời tư của họ bộc lộ sự thiếu chính trực, không đàng hoàng, hoặc chỉ tập trung vào việc "hưởng thụ" và "khoe mẽ", thì hãy cẩn trọng. Một người như thế rất có thể chỉ coi việc đào tạo là công cụ kiếm tiền, là cách để "lùa gà" chứ không thực sự có tâm huyết hay trăn trở vì lợi ích học viên.


Uy tín không thể che giấu. Nó nằm ở từng chi tiết nhỏ trong cách sống, cách suy nghĩ và những giá trị mà người giảng viên thể hiện ra. Chỉ khi họ sống đúng với những giá trị mà họ truyền đạt, bạn mới có thể đặt niềm tin vào khóa học mà họ cung cấp.


Vì vậy, đây là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn khóa học: hãy chọn giảng viên mà bạn cảm nhận được sự chính trực, tử tế và trăn trở vì cộng đồng.


5. Giá cả và giá trị

Giá trị của một khóa học quản lý tài chính cá nhân không nằm ở con số học phí là 2-3 triệu, 10 triệu hay thậm chí 20 triệu, mà nằm ở giá trị thực sự mà nó mang lại cho học viên trong cả hiện tại lẫn tương lai.


Hãy thử nhìn xa hơn: Một khóa học giúp bạn nắm được phương pháp để quản lý tài chính hiệu quả, đạt tự do tài chính, sống rủng rỉnh khi về già, và còn để lại nền tảng bền vững cho thế hệ sau – thì giá trị của nó không phải chỉ tính bằng vài triệu đồng. Nó có thể là hàng tỷ đồng hoặc hơn thế nữa, vì những gì bạn học được sẽ giúp bạn tránh được cảnh vất vả, lam lũ khi lớn tuổi, và hướng đến một cuộc sống an yên, đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần.


Giả sử bạn tham gia một khóa học 10-15 triệu và chỉ cần lĩnh hội một phương pháp duy nhất nhưng đúng đắn, áp dụng nó trong suốt cuộc đời, thì khoản đầu tư này chẳng phải là quá rẻ hay sao? Thay vì loanh quanh, thử-sai trong mấy chục năm, bạn có thể đi đúng hướng ngay từ bây giờ.


Vấn đề không phải là khóa học rẻ hay đắt, mà là nó có tạo ra giá trị xứng đáng hay không. Nếu khóa học giúp bạn xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, sống thoải mái khi về hưu, thì học phí dù là 5 triệu hay 20 triệu cũng đều là khoản đầu tư vô cùng hợp lý. Như người ta hay nói, học một lần – xài một đời, thậm chí xài cho cả đời con cháu. Vậy nên, điều bạn cần quan tâm không phải là giá cả, mà là giá trị thực sự mà khóa học có thể mang lại.


CHỌN KHÓA HỌC PHÙ HỢP VỚI BẢN THÂN

Sự phù hợp của khóa học là một yếu tố vô cùng quan trọng mà các anh chị cần cân nhắc trước khi quyết định. Một khóa học có thể rất hay, rất giá trị, thậm chí là cần thiết, nhưng nếu nó không phù hợp với hiện tại của các anh chị, thì vẫn chưa chắc đã là lựa chọn tốt.


1. Phù hợp với trình độ hiện tại

Ví dụ, kiến thức luyện thi lớp 12 có thể rất bổ ích, nhưng nếu hiện tại các anh chị chỉ đang học lớp 6, thì nội dung đó lại chưa phù hợp. Những gì giá trị cần phải đúng thời điểm. Vì vậy, khi chọn một khóa học, các anh chị hãy tự hỏi:

  • Kiến thức này có phù hợp với xuất phát điểm của tôi không?

  • Tôi có thể áp dụng được ngay hay không?


Học vượt quá trình độ không chỉ gây lãng phí mà còn dễ làm mình nản lòng vì không thể tiếp thu hoặc áp dụng ngay lập tức. Ngược lại, học quá cơ bản cũng không giúp mình giải quyết vấn đề hiện tại. Vì thế, hãy lựa chọn khóa học đáp ứng đúng nhu cầu và giai đoạn của mình.


2. Phù hợp với túi tiền hiện tại

Một khóa học giá trị nhưng lại quá sức với tài chính hiện tại của mình cũng cần phải xem xét cẩn thận. Nếu thu nhập của các anh chị hiện là 10 triệu/tháng, mà khóa học lại có mức phí lên đến 50 triệu – tương đương 5 tháng lương – thì cần cân nhắc:

  • Có nhất thiết phải học ngay bây giờ không?

  • Nếu học, tôi có áp dụng ngay được không?

  • Liệu việc học này có khiến mình bị căng thẳng tài chính không?


Nếu khóa học quá giá trị và phù hợp, các anh chị có thể cố gắng sắp xếp trong khả năng, chẳng hạn chọn khóa học có giá từ 5-10 triệu – tương đương 1 tháng lương. Nhưng đừng để bản thân rơi vào tình trạng ngột ngạt vì gánh nặng tài chính.


3. Tỉnh táo trước cảm xúc và tác động từ bên ngoài

Khi tiền từ túi mình đi ra, nó dễ dàng như nước chảy. Nhưng để tiền từ túi người khác đi vào túi mình, nó khó như trèo đèo lội suối, phải đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, nước mắt, và đôi khi là cả việc gạt qua lòng tự trọng hay sĩ diện của mình.


Vì thế, trước khi chi tiền cho bất kỳ khóa học nào, các anh chị cần thật sự tỉnh táo. Đừng chạy theo cảm xúc, đừng để những lời thúc giục từ bên ngoài tác động quá mức.


Hãy tìm đến những người bạn tin tưởng, những người ít bị chi phối bởi cảm xúc. Những người trí tuệ này thường có góc nhìn sâu sắc, đa chiều và có thể giúp các anh chị đưa ra quyết định đúng đắn hơn.


Lời khuyên cuối cùng: Khi cân nhắc một khoản đầu tư cho phát triển cá nhân, hãy đánh giá giá trị lâu dài mà nó mang lại. Nếu một khóa học giúp các anh chị biết cách quản lý tài chính, hướng đến tự do tài chính khi về già, thì giá trị đó không chỉ đáng vài triệu mà có thể là hàng tỷ đồng, thậm chí là cả đời sống sung túc cho thế hệ sau. Hãy suy xét thật kỹ: khóa học này có uy tín và phù hợp với chính mình hiện tại không? Rồi hãy quyết định nhé!


Cuối cùng, tôi xin được chúc các anh chị sẽ tìm được một khóa học về tài chính cá nhân vừa uy tín, vừa phù hợp với bản thân mình ở thời điểm hiện tại, và nếu được cả trong tương lai thì càng tốt. Từ đó, mình có thể bắt đầu hành trình quản lý tài chính cá nhân với mục tiêu hướng tới tự do tài chính.


Để đến U50 tuổi, thì mình có thể tự do tài chính để sống với một tâm thái khác, nhẹ nhàng hơn. Có thể là giảm bớt hoặc buông hoàn toàn công việc để dành thời gian nhiều hơn cho tinh thần và tâm linh. Một cuộc sống quân bình – cân bằng giữa vật chất, tinh thần và tâm linh – là điều tôi luôn trăn trở và mơ ước cho chính mình, người thân của mình, cũng như cho hàng triệu người Việt Nam.



Nếu các anh chị cảm thấy bài viết này có giá trị và mang lại lợi ích cho cộng đồng, tôi rất mong các anh chị chia sẻ để nhiều người biết cách chọn được một khóa học phù hợp. Đó không chỉ là hành động lan tỏa điều tốt đẹp mà còn là cách chúng ta tích lũy phước đức, góp phần làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

Xin chào và xin cảm ơn các anh chị!

Thế Bảo Edu.


Bình luận


Các bài viết mới nhất

Đăng ký nhận bản tin mới về tài chính cá nhân

Nội dung cập nhật liên tục hằng tuần về các kiến thức tài chính

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Logo Chìa Khóa Vàng

Tự do tài chính, Sống bình an vui

Có lẽ rằng cuộc sống là hành trình Tự học suốt đời, học làm Nghề và làm Người, làm nghề để làm người và làm người sẽ biểu hiện ra làm nghề. Học để có văn hóa, để lập nghiệp, để chung sống cùng nhau, và để thấy rõ chính mình.

  • Facebook
  • Youtube
Truy cập nhanh

© 2024 by Chìa Khóa Vàng. Powered and secured by Wixvietnam

bottom of page