top of page

01. TÔI ĐANG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA BẢN THÂN THẾ NÀO?

Đã cập nhật: 18 thg 10, 2024

Tôi vô tình đọc ở đâu đó:

Nếu không biết cách quản lý tài chính, thì tiền trong túi bạn chỉ là đang giữ hộ cho người khác mà thôi!

Câu nói này đã thôi thúc tôi đi tìm một giải pháp cho bài toán Tiền bạc của mình. Và dưới đây, tôi xin được chia sẻ lại cùng các bạn.

Quản lý tài chính cá nhân không phải là điều đơn giản, và qua thời gian cũng trên dưới 5 năm tìm tòi, nghiên cứu, tìm cách áp dụng, rồi bỏ cuộc, rồi lại áp dụng, cải tiến tới lui… tôi cũng đã tự xây dựng một phương pháp quản lý tài chính phù hợp với bản thân. Hôm nay tôi muốn chia sẻ một chút về cách tôi quản lý tài chính cá nhân.



 THẾ NÀO LÀ QUẢN LÝ TỐT TÀI CHÍNH CÁ NHÂN?

 

Không thể làm tốt nếu như không biết thế nào là tốt! Từ quá trình nghiên cứu của mình, tôi đã đúc kết ra 4 tiêu chí cơ bản giúp tôi duy trì tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Chúng là:

  • Tiêu chí 1: Ít rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền: Đảm bảo rằng chúng ta luôn có đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hàng ngày mà không phải vay mượn hay cắt giảm các khoản chi quan trọng.

  •  Tiêu chí 2: Tiết kiệm được ít nhất 20% thu nhập: Tiết kiệm là phần không thể thiếu trong quản lý tài chính. Tôi luôn đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 20% thu nhập hàng tháng, từ đó tạo ra một quỹ dự phòng vững chắc và tích lũy tài sản.

  •  Tiêu chí 3: Làm cho tiền tự sinh lời với mức 12-15%: Đầu tư giúp tiền của chúng ta tự sinh lời. Tôi chú trọng vào các khoản đầu tư có khả năng sinh lời từ 12-15%, giúp gia tăng giá trị tài sản của mình theo thời gian.

  •  Tiêu chí 4: Có mục tiêu tự do tài chính vào lúc 50-60 tuổi: Đặt mục tiêu đạt được sự tự do tài chính vào khoảng độ tuổi 50-60. Điều này đòi hỏi không chỉ quản lý tài chính hiện tại mà còn lập kế hoạch dài hạn để đảm bảo cuộc sống thoải mái khi về già.

 

Với những tiêu chí này, tôi đã xây dựng phương pháp quản lý tài chính cá nhân của riêng mình. Tôi đã lựa chọn phương pháp 5 chiếc hũ và kết hợp với việc sử dụng 4 tài khoản ngân hàng cùng file Excel để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả và khoa học. Dưới đây là cách mà tôi đã thực hiện:

 

PHƯƠNG PHÁP 5 CHIẾC HŨ

Tôi áp dụng phương pháp 5 chiếc hũ, được cải tiến và tinh gọn từ phương pháp 6 hũ nổi tiếng. Mỗi chiếc hũ tượng trưng cho một mục đích chi tiêu khác nhau, giúp tôi dễ dàng phân bổ và kiểm soát tiền bạc một cách hiệu quả. Đây là cách tôi chia các hũ:

 

  • HŨ 1: Quỹ Thiết Yếu và Phước Thiện: Dùng để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng tháng như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống. Ngoài ra, tôi còn trích một phần cho các hoạt động từ thiện và giúp đỡ người thân.

  •  HŨ 2: Quỹ Phát Triển và Giải Trí: Đây là quỹ giúp tôi nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bao gồm các khoản chi cho việc học hành, du lịch, mua sắm và giải trí.

  •  HŨ 3: Quỹ Tiết Kiệm Dự Phòng: Dự phòng cho những tình huống khẩn cấp như khám chữa bệnh, thất nghiệp hay các sự cố bất ngờ khác.

  •  HŨ 4: Quỹ Về Hưu: Tôi dành một phần tiền để tích góp, đảm bảo khi không còn làm việc nữa vẫn có thể duy trì cuộc sống thoải mái.

  •  HŨ 5: Quỹ Vốn Làm Ăn: Dùng để đầu tư và mở rộng kinh doanh, khởi nghiệp hoặc tham gia các cơ hội đầu tư khác.

Phương pháp 5 chiếc hũ trang bị cho tôi về mặt tư duy, nhưng quản lý vận hành 5 hũ này thế nào? Đó là 4 tài khoản ngân hàng.

 

4 TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG

Tôi sử dụng 4 tài khoản ngân hàng để quản lý từng hũ tiền này. Mỗi tài khoản tương ứng với một HŨ, giúp tôi dễ dàng kiểm soát và theo dõi các khoản chi tiêu và tiết kiệm. Điều này không chỉ giúp tôi có cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính mà còn tối ưu hóa lãi suất từ các khoản đầu tư. Dưới đây là cách tôi phân chia các tài khoản:

  • Tài khoản 1: Quỹ Thiết Yếu và Phước Thiện - Ví tiền mặt, Momo

  • Tài khoản 2: Quỹ Phát Triển và Giải Trí

  • Tài khoản 3: Quỹ Về Hưu

  • Tài khoản 4: Quỹ Vốn Làm Ăn

Hình như có vẻ thiếu thiếu tài khoản cho hũ số 3 (tiết kiệm dự phòng) phải không? hũ số 3 không cần tài khoản, vì tiền sẽ được để ở 3 dạng: mua vàng, tiền mặt, và gửi vào sổ tiết kiệm ngân hàng (không cần mở thêm tài khoản).

 

Chi Tiết Về Đặc Điểm Và Cách Vận Hành Các Tài Khoản Và Hũ:

 

Tài khoản 1: Thiết Yếu và Phước Thiện: Cứ cuối tháng là bơm tiền vào để xài cho tháng sau. Chu kì quay vòng của tài khoản này là 1 tháng. Đầu tháng bơm vào, cuối tháng xài hết.

 

HŨ 2: Quỹ Tiết Kiệm Dự Phòng: Cuối tháng, chuyển tiền sang quỹ này. Sau 2-3 tháng, 12 tháng, có thể phân bổ lại dạng tiền mặt, sổ tiết kiệm, hay vàng. Chu kì vài năm đến hàng chục năm. Chỉ có bơm vào, khi đủ thấy an toàn rồi thì có thể bơm ít vào hoặc dùng bơm. Khi có rủi ro thì xài dần, sau đó bơm bù vào khoản đã xài.

 

Tài khoản 3: Phát Triển và Giải Trí: Dựa trên kế hoạch chi tiêu của năm, cuối tháng bơm tiền vào để chi tiêu. Chu kì quay vòng của tài khoản này có thể vài tháng đến 1 năm, nghĩa là cuối năm sẽ hết, hoặc chỉ có thể phân bổ sang quý 3 hoặc 4.

 

Tài khoản 3: Quỹ Tích lũy: Cuối tháng/năm, khi tổng hợp lợi nhuận, trúng số, nhận thưởng... thì gửi tiền vào quỹ này. (Dựa trên mục tiêu Tự do tài chính đã thiết lập). Khi đã vào quỹ về hưu, chỉ được nhập vào, không rút ra. Không nên chỉ để dạng tiền mặt hay sổ tiết kiệm. Quỹ tích lũy về hưu này được chia làm 2 phần. Phần 1 (ít hơn) gọi là tiền phòng thủ, nghĩa là cất trữ dạng mua vàng. Phần 2 (nhiều hơn) là đem đầu tư nhằm sinh lời tối đa trong năng lực. Chúng ta nên để ở kênh nào có thể sinh lãi suất kép 10-15% mỗi năm, như: chứng chỉ quỹ hoặc cổ phiếu...

 

Tài khoản 4: Vốn Làm Ăn: Cuối tháng, cuối năm, khi tổng hợp lợi nhuận, trúng số, nhận thưởng... thì gửi tiền vào quỹ này. Nếu chưa có dự định tự kinh doanh, làm ăn, thì có thể phân bổ vào quỹ tích sản.

 

FILE EXCEL QUẢN LÝ DÒNG TIỀN


Cuối cùng, tôi sử dụng một file Excel để theo dõi chi tiết các khoản thu chi hàng tháng. File Excel này giúp tôi biết được dòng tiền của mình đang đi đâu, đến từ đâu, và tôi cần điều chỉnh gì để đảm bảo tài chính luôn trong trạng thái khỏe mạnh. Đây là công cụ không thể thiếu giúp tôi duy trì kỷ luật tài chính.

Tôi cũng đã thử nghiệm qua một số ứng dụng này nọ, nhưng rốt cuộc, Excel vẫn là hữu hiệu nhất với tôi.

 

Quản lý tài chính cá nhân không phải là chuyện dễ, nhưng với phương pháp 5 chiếc HŨ, việc này trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn nhiều. Tôi cảm thấy tự tin hơn với tài chính của mình và luôn sẵn sàng cho hầu hết tình huống trong cuộc sống.

 

Hy vọng chia sẻ của tôi có thể giúp các bạn có thêm một gợi ý để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả. Nếu các bạn có phương pháp nào khác hay cần thêm thông tin, đừng ngần ngại chia sẻ nhé!

 

Nếu thấy bài viết có thể mang lại giá trị cho cộng đồng, anh chị đừng quên chia sẻ về trang cá nhân hoặc đến những ai đang cần.

Chúc mọi người một ngày vui vẻ và tài chính luôn dồi dào!

Thế Bảo Edu./

Comments


Các bài viết mới nhất

Đăng ký nhận bản tin mới về tài chính cá nhân

Nội dung cập nhật liên tục hằng tuần về các kiến thức tài chính

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

Logo Chìa Khóa Vàng

Tự do tài chính, Sống bình an vui

Có lẽ rằng cuộc sống là hành trình Tự học suốt đời, học làm Nghề và làm Người, làm nghề để làm người và làm người sẽ biểu hiện ra làm nghề. Học để có văn hóa, để lập nghiệp, để chung sống cùng nhau, và để thấy rõ chính mình.

  • Facebook
  • Youtube
Truy cập nhanh

© 2024 by Chìa Khóa Vàng. Powered and secured by Wixvietnam

bottom of page