Bốn trụ cột trong Tài chính cá nhân
- Thế Bảo Edu
- 3 thg 4
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 13 thg 4
1. Bốn trụ cột là những gì?
Tại sao lại gọi là trụ cột?
Nếu nhìn bằng lăng kính biện chứng, thì bất kỳ hệ thống nào cũng có phần lõi và phần triển khai. Cái gì là xương sống, cái gì là phần mở rộng? Cần bóc tách cho rõ. Tài chính cá nhân cũng vậy. Cái lõi, hay tôi tạm gọi là “bốn trụ cột”, chính là nền móng để xây cả một hệ thống quản lý tài chính hiệu quả. Có nó, mình mới nhìn rõ đâu là đường trục chính, đâu là đường hẻm, đâu là ngõ cụt để tránh. Không có nó, mọi thứ dễ trở thành một mớ lộn xộn: mẹo nọ chồng mẹo kia, phương pháp này đá phương pháp khác, rốt cuộc là… bế tắc.
Tất nhiên, những gì tôi sắp chia sẻ không phải là “chân lý tối hậu”. Đây chỉ là một góc nhìn, mang màu sắc kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, nhưng tôi tin, nếu ta cùng nhau đi qua nó một cách bình tĩnh, thì ít nhất, ta sẽ có một bản đồ dễ hiểu để bắt đầu hành trình tài chính của mình.

Trụ cột 1: Kiếm tiền
Kiếm tiền là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong tài chính cá nhân. Không có thu nhập, mọi kế hoạch tài chính đều vô nghĩa.
Có rất nhiều cách để kiếm tiền, nhưng nếu phân loại thì có thể chia thành 4 loại như Robert Kiyosaki: Làm thuê, Làm tư, Làm chủ và Đầu tư.
Trụ cột 2: Dùng tiền
Dùng tiền là nói đến việc Quản lý chi tiêu. Không phải ai kiếm nhiều tiền cũng giàu có. Nếu chi tiêu không kiểm soát, kiếm bao nhiêu cũng hết. Quản lý chi tiêu ở đây không có nghĩa là phải tiết kiệm hà khắc, mà là biết chọn mức sống phù hợp, sử dụng tiền đúng nơi, đúng lúc.
Dùng tiền đúng cách cũng là bước đầu tiên để có thể nuôi tiền.
Trụ cột 3: Nuôi tiền
Nếu chỉ có kiếm tiền và tiết kiệm, tài chính cá nhân vẫn chưa thể vững chắc. Vì tiền nằm yên thì sẽ mất giá theo thời gian do lạm phát.
Nuôi tiền là cách để số tiền có sẵn tiếp tục tạo ra giá trị. Có nhiều cách để làm điều này như: Gửi tiết kiệm, Đầu tư chứng khoán, quỹ mở, Mua bất động sản…
Trụ cột 4: Thu nhập thụ động
Thu nhập thụ động là khoản tiền tự chảy vào túi ngay cả khi không còn làm việc thường xuyên. Đây là mục tiêu quan trọng trong tài chính cá nhân, vì nó giúp chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc của thu nhập phụ thuộc vào thời gian và công sức của bản thân.
Bốn trụ cột này chính là nền móng, là bộ xương sống của tài chính cá nhân. Tất cả các nội dung về tài chính cá nhân sau này đều sẽ xoay quanh hoặc làm rõ từng khía cạnh trong bốn trụ cột này.
2. Các tiêu chí của từng trụ cột
Không thể làm tốt nếu như không biết thế nào là tốt! Tài chính cá nhân cũng vậy – nếu không có tiêu chí rõ ràng, rất khó biết mình đang đi đúng hướng hay không. Sau một thời gian tìm hiểu, áp dụng và điều chỉnh, tôi nhận ra rằng mỗi trụ cột trong tài chính cá nhân đều có những tiêu chí riêng để đánh giá mức độ hiệu quả. Và để dễ tiếp cận, tôi sẽ đưa ra dưới dạng câu hỏi. Cụ thể được trình bày ngay sau đây.
1. Kiếm tiền (Tạo thu nhập)
Tiêu chí đánh giá hiệu quả việc kiếm tiền:
- Thu nhập đang ở mức nào? Hoạt động kiếm tiền phải tạo ra thu nhập đủ lớn để vừa trang trải cuộc sống, vừa có dư để tiết kiệm và đầu tư. Vậy bao nhiêu là cao? có thể căn cứ vào chi phí để làm cơ sở. Có thể chia ra các hạng mức như: Thu nhập gấp 1-2 lần chi phí, gấp 2-5 lần chi phí, gấp trên 5 lần chi phí…
- Thu nhập có tăng trưởng không? Thu nhập hiện tại so với 1 năm trước có tăng không? Nếu không, cần xem xét cách nâng cao năng lực hoặc tìm cơ hội mới.
- Có bao nhiêu nguồn thu nhập? Phụ thuộc vào một nguồn thu (lương) sẽ rất rủi ro. Việc có nhiều nguồn thu nhập (chẳng hạn vừa có lương từ công việc chính, vừa có thu nhập từ dự án phụ) giúp giảm rủi ro tài chính khi một nguồn bị ảnh hưởng.
2. Dùng tiền (Quản lý chi tiêu & tiết kiệm)
Tiêu chí đánh giá việc sử dụng tiền hiệu quả:
- Tỷ lệ tiết kiệm có ổn định không? Tiết kiệm tối thiểu 20% thu nhập mỗi tháng. Nếu không đạt được, cần xem lại cách chi tiêu.
- Có quỹ dự phòng khẩn cấp chưa? Ít nhất 6-9 tháng chi phí sinh hoạt trong tài khoản an toàn. Nếu không có quỹ này, chỉ cần một biến cố nhỏ cũng có thể làm tài chính đảo lộn.
- Chi tiêu có bám theo kế hoạch không? Có biết mỗi tháng tiền đi đâu không? Nếu liên tục thâm hụt hoặc không kiểm soát được dòng tiền, tức là đang có vấn đề.
3. Nuôi tiền (Đầu tư & Tích lũy tài sản)
Tiêu chí đánh giá khả năng làm tiền sinh lời:
- Tỷ lệ tiền nhàn rỗi đang được đầu tư là bao nhiêu? Mức hợp lý: Ít nhất 30% tài sản cần được đầu tư sinh lời trong dài hạn.
- Lợi nhuận đầu tư đang ở mức bao nhiêu? Mục tiêu tối thiểu là tăng trưởng 10-12%/năm, với lãi suất kép.
- Danh mục đầu tư có đa dạng không? Chỉ đổ hết vào một kênh (ví dụ chỉ có gửi tiết kiệm hoặc chỉ có chứng khoán) là rất rủi ro. Cần có sự phân bổ hợp lý, ít nhất là vào 3 kênh khác nhau để hạn chế rủi ro.
- Có chiến lược dài hạn không? Đầu tư là quá trình dài hạn. Chỉ dài hạn mới có thể tận dụng được lãi suất kép. Nếu không, thì thật là bỏ phí “tài nguyên thiên nhiên”.
4. Tạo dòng tiền thụ động
Tiêu chí đánh giá khả năng tạo thu nhập thụ động:
- Có Mục tiêu và Kế hoạch ràng cho Tự do tài chính chưa? Nếu không có con số cụ thể về tài sản & thu nhập thụ động mong muốn, rất khó để đạt được mục tiêu.
- Tỷ lệ thu nhập thụ động so với chi phí hàng tháng là bao nhiêu? Nếu thu nhập thụ động có thể đủ trang trải 50-70% chi phí, tức là đang trên đường đến tự do tài chính.
- Có bao nhiêu nguồn thu nhập thụ động? Một nguồn thu động (ví dụ chỉ có cổ tức hoặc chỉ có cho thuê nhà) sẽ rủi ro. Cần đa dạng hóa: vàng, cổ phiếu, bất động sản, quỹ mở…
- Thu nhập thụ động có tăng trưởng theo thời gian không? Nếu chỉ duy trì mà không tăng trưởng, lạm phát sẽ ăn mòn sức mua. Cần xây dựng cho mình một mô hình an toàn, bền vững và tối ưu.
3.Bản chất của dòng tiền thụ động
Bây giờ chúng ta hãy thử dùng một phép tư duy phân tích đơn giản để thấy rõ hơn bản chất. Giả sử năng lực quản lý tài chính được chia làm ba mảng: Kiếm Tiền, Dùng Tiền, Nuôi Tiền, và mỗi mảng được chấm theo ba mức: 0 điểm, 1 điểm và 2 điểm.

Khi đó, công thức tạo ra dòng tiền thụ động sẽ là:
Dòng tiền = Kiếm tiền × Dùng tiền × Nuôi tiền
Nhìn công thức này, có thể thấy ngay một điều rất mấu chốt: chỉ cần một trong ba năng lực đạt 0 điểm thì cả phép nhân sẽ bằng 0. Tức là, dù có giỏi đến đâu ở hai mảng kia, nhưng chỉ cần một mảng “toang” thì rốt cuộc cũng là... công cốc.
Ví dụ: Kiếm tiền cực giỏi, thu nhập cao gấp mấy lần người thường, nhưng dùng tiền thì không biết tiết chế, tiêu xài hoang phí, vung tay quá trán, thì khi nhân lại, tổng dòng tiền vẫn là con số 0 tròn trĩnh.
Hay ngược lại, kiếm được tiền, dùng cũng khéo, tiết kiệm được tới 30–50% thu nhập, nhưng nuôi tiền lại sai cách, chọn đầu tư kiểu đánh bạc, chạy theo lời đồn, thua lỗ liên tục... thì cuối cùng đến tuổi nghỉ ngơi, dòng tiền vẫn là số không.
Nhưng điều tích cực là gì? Đó là chỉ cần mỗi kỹ năng đạt mức trung bình thôi (tầm 1 điểm), ví dụ như kiếm được gấp 2–3 lần chi tiêu, tiết kiệm đều đặn 15–20% mỗi tháng, rồi nuôi tiền kiểu an toàn như gửi ngân hàng, mua vàng, thì dòng tiền vẫn xuất hiện. Nó không bùng nổ, không “phất” nhanh, nhưng ổn định và bền vững, và đó là nền tảng vững chắc nhất trong tài chính cá nhân. Không màu mè, không hào nhoáng, nhưng mà… có thiệt!
Tóm lại
- 4 trụ cột này liên kết chặt chẽ với nhau. Kiếm tiền tốt nhưng không biết dùng tiền thì cũng khó tích lũy. Dùng tiền tốt mà không biết nuôi tiền thì tài sản không sinh sôi. Và cuối cùng, nếu không có thu nhập thụ động thì mãi mãi phải làm việc để kiếm tiền.
- Đây chính là hệ thống giúp tài chính cá nhân phát triển bền vững. Những phần sau sẽ đi sâu vào từng mảng để làm rõ cách áp dụng thực tế.
Comments